Chưa
có công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào khẳng định phụ nữ mang thai
nếu ăn trứng ngỗng thì con thông minh, hoặc tốt cho thai nhi hơn các trứng gia
cầm khác.
Về giá trị dinh dưỡng, trứng ngỗng có protein 13,5% (so với trứng vịt 11,8% và trứng gà 12,5%); lipid 13,2% (so với trứng vịt 13,5% và trứng gà 11,6%). Như vậy trứng ngỗng có nhiều protein hơn trứng gà, trứng vịt; còn lipid thì nhiều hơn trứng gà.
Trứng ngỗng cũng chứa các loại vitamin như: Vitamin A: 0,28; vitamin B1: 0,09; vitamin B2: 0,26; vitamin PP: 0,10.
Tương ứng trong trứng gà là 0,60; 0,14; 0,24; 0,20 và trong trứng vịt là 0,32; 0,13; 0,26; 0,10. Như vậy về vitamin trứng ngỗng đều có ít hơn trứng gà, mà vitamin A lại rất cần cho phụ nữ có thai.
Thực chất trứng gà mới là thực phẩm có giá trị. Bách khoa toàn thư về thức ăn và dinh dưỡng của Mỹ viết: Trứng gà là một kỳ tích của thiên nhiên, là một trong những thức ăn hoàn thiện nhất mà nhân loại đã biết. Thành phần các chất protein, lipid, glucid, các vitamin và chất khoáng trong trứng gà có tỷ lệ phối hợp rất hợp lý, giúp bồi dưỡng sức khỏe rất tốt.
Trứng gà cũng được y học cổ truyền dùng làm thuốc bổ dưỡng. Đông y gọi lòng đỏ trứng gà là “kê tử hoàng”, có vị ngọt tính ấm, đi vào 3 kinh tâm, tỳ, vị, có công dụng dưỡng âm, minh tâm, vỗ tỳ vị, trị mất ngủ do âm hư, nôn mửa do vị khí nghịch... Trong nhân dân, ngày xưa khi đi thăm người mang thai, sinh nở cũng thường đem theo chục trứng gà làm quà để sản phụ ăn cho bổ.
Những điều bạn nghe nói về trứng ngỗng là không có cơ sở khoa học cả về y học cổ truyền và hiện đại.
No comments:
Post a Comment