Wednesday, August 8, 2012

Mười bài thuốc từ cây cỏ.





1.Bài thuốc chữa viêm mũi, viêm xoang:
(1) Dùng dây mướp: Lấy khoảng 1 mét ở đoạn gần gốc; cắt thành từng khúc nhỏ, phơi ở chỗ mát cho khô, sau đó đem sao vàng, tán mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4-6g, chiêu thuốc bằng rượu. Có tác dụng chữa viêm mũi dị ứng và viêm xoang.
(2) Hái quả ké, đem sao vàng, tán mịn, cất vào lọ nút kín dùng dần. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 3g. Có tác dụng trị viêm mũi dị ứng.
(3) Thuốc nhỏ mũi tự chế: Lấy 1 bát dầu vừng, cho vào nồi, dùng lửa nhỏ đun đến khi sôi, sau khi sôi đun thêm khoảng 15 phút; chờ dầu nguội, đổ vào lọ đã sát trùng, nút kín, dùng dần. Mỗi ngày nhỏ vào mũi 3 lần. Lần đầu chỉ nhỏ 2-3 giọt, khi đã quen có thể tăng lên 4-5 giọt. Sau khi nhỏ không cử động mạnh vài ba phút, chờ cho dầu lan ra ngấm vào niêm mạc mũi. Tác dụng: Chữa viêm mũi dị ứng và viêm xoang. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều người sử dụng 2-3 tuần bắt đầu thấy hiệu quả.
2.Bài thuốc chữa phong thấp, đau lưng:
Cà gai leo (cả thân, rễ) 10g, lá lốt (cả thân rễ) 12g, cỏ xước (cả thân, rễ) 10g, củ thổ phục linh (còn gọi là củ khúc khắc) 12g, củ dứa dại 16g. Tất cả thái nhỏ, sao vàng, hạ thổ, sau đó cho vào nồi, đổ ngập nước 1 đốt ngón tay, đun sôi, giữ nhỏ lửa 15-20 phút; uống thay nước trong ngày. Mỗi thang thuốc sắc 2-3 lần. Kiếm đủ tất cả các vị thuốc là tốt nhất, thiếu 1 - 2 vị vẫn dùng được. Uống liên tục 10 ngày (một liệu trình), nghỉ một thời gian rồi lại tiếp tục liệu trình khác. Với phụ nữ, chỉ uống sau khi sạch kinh 5-7 ngày, uống trong lúc hành kinh có thể gây rong huyết.
Theo Báo Nhân dân Điện tử


3.Trà dược cho người bị hen phế quản


Tiết trời khô lạnh là điều kiện thuận lợi cho bệnh hen phế quản phát sinh và phát triển. Ngoài tân dược, người bệnh có thể dùng trà thảo dược có nấm linh chi, nhân sâm, ngũ vị tử kết hợp với một số vị thuốc khác để chống co thắt phế quản và tăng cường miễn dịch.
Bài 1: Nấm linh chi 6 g, bán hạ chế 5 g, tô diệp 5 g, hậu phác 3 g, bạch linh 9 g, đường phèn vừa đủ. Các vị tán vụn, cho vào túi vải, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút có thể dùng được, chế thêm đường phèn, uống thay trà hằng ngày. Công dụng: phù chích ích phế, trừ đàm bình suyễn, dùng cho bệnh nhân viêm phế quản co thắt, hen phế quản. Trong đó, bán hạ phối hợp hậu phác có tác dụng trừ đàm, làm thông thoáng đường thở; bạch linh kiện tỳ lợi thấp, có khả năng tăng cường miễn dịch. Nấm linh chi ngoài tác dụng giảm ho bình suyễn còn thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào niêm mạc phế quản, ức chế phản ứng quá mẫn, bồi bổ cơ thể. Người bị hen phế quản kèm theo sốt, ho và khạc đàm mủ vàng không nên dùng loại trà này.
Bài 2: Vỏ rễ cây bông 30 g thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút có thể dùng được, chế thêm đường đỏ uống thay trà hằng ngày. Công dụng: bổ trung ích khí, chỉ khái bình suyễn. Thích hợp cho người viêm phế quản mạn tính và he phế quản. Kết quả nghiên cứu tên thực nghiệm và lâm sàng cho thấy vị thuốc này có thể giảm ho, tiêu viêm và chống co thắt phế quản. Phụ nữ có thai không dùng bài này.
Bài 3: Ngũ vị tử 4 g, nhân sâm 4 g, tô ngạnh 3 g, đường phèn. Các vị thai vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút có thể dùng được. Công dụng, bổ khí liễm phế, dùng cho người già bị hen phế quản lâu năm, khó thở nhiều, tức ngực, ho khạc đờm trắng dình. Người thể béo bệu không nên dùng.
Theo Báo Sức khoẻ & Đời sống

4.Điều trị bệnh giời leo 


Bệnh giời leo - Zona - do siêu vi trùng ái lực thần kinh gây ra, thường gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch. Bệnh hay phát về mùa mưa, lạnh và ẩm thấp hoặc mùa xuân, nhiều gió.
Giời leo có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào và phát ra ở bất cứ vị trí nào trên thân thể, nhiều nhất ở vùng ngực, vai, lưng, bụng, cổ, mặt, hố mắt.
Người bệnh thường bị sốt nhẹ, từ 37 độ 5 đến 38 độ C, đau mỏi toàn thân, xuất hiện một mảng da bị sưng xung huyết, nóng, đỏ, đau, trên đó mọc nhiều nốt phỏng nước, mới nhú lên có nước bóng láng và màu đục. Lúc đầu mảng giời leo chỉ to bằng đồng xu, sau đó lan nhanh thành một mảng lớn.
Sau 15-20 ngày đau, buốt, nóng, rát như bỏng lửa, mảng giời leo dịu dần rồi bay hết, chỉ còn lại sẹo trên da màu hồng trắng hay vệt thâm. Cơn đau tuy bớt nhưng không khỏi hẳn, nó có thể kéo dài từ 6 tháng đến một năm.
Cách điều trị:
- Bài thuốc Kinh phòng bại độc thang, gồm kinh giới, phòng phong, độc hoạt, khương hoạt, tiền hồ, sài hồ, chỉ xác, cát cánh, cam thảo, xuyên khung, bạc hà, mỗi thứ 8 g, thêm bạch phục linh 16 g. Tất cả hợp thành 1 thang, uống hằng ngày. Mỗi thang sắc 2 nước, nước một uống buổi sáng, nước hai vào buổi chiều. Bệnh mới phát thì uống 3 thang, nếu được 5-7 ngày cần uống 8-10 thang.
Nếu cơ thể suy nhược nặng hoặc người bệnh cao tuổi thì thêm đảng sâm hay nhân sâm, mỗi thứ 12 g vào thang thuốc. Nếu mụn giời leo vỡ nước loét sâu dưới da thì thêm hoàng kỳ 16 g, kim ngân hoa 16 g.
- Thuốc bôi, xoa ngoài: dùng dầu Jnoca (tinh dầu mù u) 1 chai 15 ml do Viện Y Dược học dân tộc TP HCM bào chế, bôi lên mảng giời leo từ ngoài vào trong, mỗi ngày 3 lần vào sáng, trưa, chiều tối. Thuốc có tác dụng sát trùng, làm nhu da, mát da, dịu hẳn cơn đau buốt, nóng rát, khống chế bệnh ngay.
Theo VnExpress
 
5.Chữa mụn nhọt, mẩn ngứa


Để chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, có thể dùng bèo cái tươi (không kể liều lượng) sắc lấy nước để rửa, hoặc lấy mỗi ngày 50-100 g bèo cái tươi sắc uống. Việc uống nước sắc bèo cái cũng có tác dụng thông kinh nguyệt, lợi tiểu tiện, chữa các bệnh ho, hen.
Những cây lá sau cũng có khả năng chữa mụn nhọt, mẩn ngứa:
- Sài đất: Còn có tên là húng trám hay ngổ núi. Trong dân gian, sài đất được dùng để tắm trị rôm sảy, uống phòng sởi, chữa báng, sốt rét, lở loét, mụn nhọt, chốc đầu. Có thể dùng cây tươi hay khô.
Dùng tươi: Mỗi ngày lấy 100 g sài đất giã với ít muối ăn, thêm 100 ml nước đun sôi để nguội, vắt lấy nước, chia làm 1 hay 2 lần uống trong ngày. Bã đắp lên nơi sưng đau.
Dùng khô: Mỗi ngày lấy 50 g sài đất, thêm nửa lít nước, sắc lên rồi cô đặc đến còn 200 ml, chia 1-2 lần uống trong ngày.
- Khế: Khi bị lở sơn, mẩn ngứa, lở loét, sưng đau do dị ứng, lấy lá khế (cả cành non và hoa) 100-150 g, đun sôi 15 phút với 5-6 lít nước, dùng xông và tắm. Dùng lá đã nấu xát lên nơi lở loét.
Hoặc: Giã lá và quả khế, lấy nước đắp lên những chỗ tổn thương.
- Đơn tướng quân: Để chữa mẩn ngứa, mề đay, dị ứng, mỗi ngày lấy 100 g lá tươi (chọn lá bánh tẻ) sắc uống.
- Kim ngân (còn gọi là nhẫn đông): Dùng chữa mụn nhọt, rôm sảy, lên đậu, lên sởi; mỗi ngày dùng 4-6 g hoa hay 10-12 g cành lá, sắc uống
Theo VnExpress
 
6. Chữa viêm họng 


Khi đau họng, người ta thường nghĩ đến các loại kháng sinh. Trong khi đó, bạn hoàn toàn có thể trị căn bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp này bằng nhiều bài thuốc cổ truyền rất đơn giản với cây, lá sẵn có trong vườn nhà.
Viêm họng thường do vi khuẩn liên cầu, tụ cầu hoặc virus... sống lưu trú ở họng gây ra. Hoặc do vi khuẩn trong không khí, gặp lúc cơ thể nhiễm lạnh gây nên.
Khởi đầu bệnh nhân thấy người mệt mỏi, khó chịu, gai rét, sợ gió, đau họng khi nuốt. Sau đó là sốt, có thể sốt cao 39-40oC (hay gặp ở trẻ em), ho khan hoặc có đờm, sờ có hạch góc hàm. Khám họng thấy niêm mạc họng viêm đỏ, 2 hốc amidan xung huyết mạnh, có thể có các chấm mủ và chất cặn bã dính vào.
Bệnh diễn biến lành tính, thường kéo dài từ 2-5 ngày. Nhưng cần ngoáy họng để tìm vi khuẩn liên cầu (là vi khuẩn gây nên bệnh thấp tim).
Các bài thuốc chữa viêm họng
- Bài 1: Rễ cây chanh yên 10g, cây nhài quạt (sao qua) 15g. 2 vị đem nấu lấy nước uống.
- Bài 2: Bột tràm 2g, bột thạch cao 6g, tinh dầu bạc hà 20%. Ba thứ trên đem trộn đều, cho vào lọ kín. Khi dùng, lấy tăm bông chấm thuốc bôi vào họng.
- Bài 3: Xạ can 20g, húng chanh 20g. Sắc uống ngày 2-3 lần hoặc nấu thành dạng cao lỏng, ngày uống 30ml.
- Bài 4: Bách bộ 10g, mạch môn 12g, vỏ rễ dâu 10g, vỏ quýt 5g, xạ can 5g, cam thảo dây 5g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Bài 5: Rau diếp cá tươi: 1 nắm, rửa sạch giã nát, hòa 1 bát nước vo gạo mới, đun sôi kỹ, cho thêm ít đường, uống ngày 2-3 lần.
- Bài 6: Kim ngân hoa 20g, mạch môn 20g. Sắc uống ngày 2 lần.
Phòng bệnh
- Giữ ấm cổ khi trời lạnh. Không uống nước lạnh, nước đá.
- Tránh tiếp xúc với bụi bặm, hóa chất. Nếu công việc bắt buộc, phải đeo khẩu trang.
- Không ăn các thứ cay, nóng.
- Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày như: súc miệng bằng nước muối.
Theo VietNam Net

7. Chữa tắc tia sữa, mất sữa


Sau khi sinh, một số phụ nữ xuống sữa nhưng không bài tiết được do tia sữa không thông hoặc không thể sinh sữa do khí huyết quá hư suy từ trước, sau cơn vượt cạn. Với nhiều sản phụ, các biện pháp kích thích tạo sữa hoặc thông sữa hiện đại đôi khi không phát huy tác dụng bằng các bài thuốc dân gian truyền lại sau đây.
Nguyên nhân tình trạng thiếu sữa (ít sữa) ở sản phụ là trong khi chửa, đẻ khí huyết quá hư suy hoặc khi sinh con mẹ mất quá nhiều máu ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mạch: xung, nhâm, đốc, đới và ngũ tạng, lục phủ; làm cho nguồn tân dịch bổ sung để sinh sữa thiếu hụt, lượng sữa sản sinh không đủ để nuôi con.
Mặt khác người mẹ có thể mất sữa (có sữa sau đó bị mất sữa) hoặc không có sữa hoàn toàn còn do trong khi mang thai, bầu sữa không to thêm hoặc có to thêm nhưng gần đến tháng sinh không thấy biểu hiện căng hoặc cắn nhức đầu vú, hoặc không thấy sữa non ra báo hiệu sắp sinh... mọi cảm giác khác thường gần như không cảm nhận được ở 2 vú.
Các nguyên nhân gây tắc, mất sữa
- Do khí huyết, ngũ tạng, lục phủ quá hư suy, xung - nhâm bất túc.
- Mối liên quan giữa vị kinh và vị tạng không bình thường.
- Ðường lạc nhũ mạch không thông.
Khắc phục thiếu sữa (ít sữa)
Triệu chứng:
Bầu vú không căng to hoặc căng to ít, mềm không căng cứng, day bóp không ra sữa hoặc ra rất ít không thành tia, không có cảm giác cắn nhức, tức sữa sau 3-4 giờ chưa cho con bú; có thể kèm theo triệu chứng toàn thân như: người gầy yếu, hoặc đang trong thời kỳ mang bệnh hư lao, bệnh nội thương khác hoặc người béo quá đàm thấp làm ảnh hưởng tới đường mạch lạc mà không sinh ra sữa được...
Bài thuốc:
- Thiên về khí huyết hư dùng bài: Ðương quy thân 32g, hoàng kỳ 32g, thông bạch 10 củ. Cách bào chế: Ðương quy thân tẩm rượu, hoàng kỳ mật chích. Sắc uống.
- Thiên về khí huyết hư kiêm biểu hiện tia sữa không thông dùng bài: Ðương quy 12g, thược dược 12g, xuyên khung 12g, nhân sâm 10g, bạch phục linh 10g, bạch chỉ 12g, cát cánh 10g, cam thảo 6g.
Chữa mất sữa (có sữa sau đó bị mất sữa)
Triệu chứng:
Sau khi sinh, lượng sữa ra bình thường sau đó giảm dần không đủ cho trẻ bú, trẻ quấy khóc lúc đó người mẹ mới biết là thiếu sữa; hoặc tự nhiên thấy vú không căng tức và nhỏ dần; hoặc sau một đợt ốm rồi mất sữa...
Bài thuốc:
Vương bất lưu hành 16g, bạch đinh hương 4g, lậu lô 16g, thiên hoa phấn 24g, bạch cương tàm 16g, xuyên sơn giáp 10g. Cách bào chế: Vương bất lưu hành tửu sao, bạch đinh hương, lậu lô, thiên hoa phấn, bạch cương tàm: vi sao; xuyên sơn giáp sao vàng. Sắc uống.
Chữa không có sữa hoàn toàn
Triệu chứng:
Hai vú bình thường hoặc to hoặc nhỏ hơn một ít: trước và sau khi sinh không có có biểu hiện khác thường như không thấy tức, cắn nhức ở đầu và xung quanh núm vú..., không thấy dịch hoặc sữa ra, không thấy người ngấy sốt...
Bài thuốc:
Ðương quy thân 12g, thược dược 12g, xuyên khung 12g, thục địa 16g, nhân sâm 12g, bạch phục linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo 12g, hoàng kỳ 10g, nhục quế 10g, bạch chỉ 12g, đào nhân 12g, xuyên sơn giáp 10g. Sắc uống.
Châm cứu các huyệt: hiên trung, thiếu trạch, nhũ căn, hợp cốc.
Theo VietNam Net
 
8. Chữa đau dạ dày


Xin giới thiệu bài thuốc nam dưới đây của bác sĩ Hồng Nhung có tác dụng chữa bệnh đau dạ dày.
1. Lá khoai 20g, nghệ bột đỏ 20g, bồ công anh 20g, xuyên tam thất 20g, thổ phục linh 10g, bách cập 20g, bắc cam thảo 20g, kê nội kim 20g. Sắc uống: Nước nhất đổ ba bát sắc còn một bát. Nước nhì đổ hai bát nước sắc còn một. Uống mỗi ngày một thang, chia hai lần sáng, tối.
2 . Nhân trần 20g, sinh địa 25g, sài hồ 20g, chi tử 15g, ý chỉ 20g, sa sâm 26g, diệp hạ châu (cây chó đẻ) 320g. Sắc uống như trên. Mỗi lần uống từ 5 - 7 ngày.
3. Củ nghệ vàng 2kg, ngải cứu 05kg, sa nhân 0,1kg, vỏ quít (trần bì) 0,2kg, cao lương khương (củ riềng gió) 0,5kg.
Cách chế và dùng: Các thứ đem phơi khô, sao vàng, tán thành bột dùng mật ong và hồ làm viên to bằng hạt ngô, phơi khô cho vào lọ kín dùng dần. Ngày uống 30 viên, chia làm 3 lần (sáng, trưa, tối) mỗi lần 10 viên chiêu với nước chè, nước vối.
Kiêng kỵ: Thịt vịt, ốc, ếch và các thứ ăn lâu tiêu.
Báo Nhân dân Điện tử
 

9. Chữa rối loạn kinh nguyệt 


Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này ở tuổi thanh xuân là chức năng tiêu hóa bị trục trặc, cản trở sự hấp thu dinh dưỡng, khiến cơ thể phát dục không đầy đủ, chức năng sinh sản chậm hoàn thiện. Các chấn động về tinh thần, tình cảm cũng dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.
Ở tuổi vị thành niên, kinh nguyệt bị rối loạn trong 1-2 năm đầu là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, đó cũng có thể là biểu hiện của các tình trạng như: quá trình phát dục của cơ thể gặp trở ngại, rối loạn nội tiết, dinh dưỡng không đầy đủ, mắc một số căn bệnh...
Có thể nhận biết kinh nguyệt có bình thường hay không dựa vào đặc điểm chu kỳ kinh, lượng huyết, màu sắc và chất huyết. Kinh nguyệt được coi là bình thường nếu chu kỳ ổn định, lượng huyết vừa phải, sắc đỏ thẫm (lúc đầu sắc nhạt, sau đậm dần, cuối cùng hồng nhạt), không quá đặc hoặc quá loãng, không vón cục hay có mùi khác thường.
Các trường hợp kinh nguyệt rối loạn được chia thành 3 loại:
- Kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường 7-8 ngày, hoặc 1 tháng hành kinh đến 2 lần, thường gọi là kinh đến trước kỳ.
- Kinh nguyệt đến chậm hơn bình thường 7-8 ngày, hoặc 40-50 ngày mới hành kinh một lần, thường gọi là kinh nguyệt đến chậm, kinh đến muộn.
- Kinh nguyệt đến khi sớm khi muộn không có quy luật, lượng huyết cũng lúc nhiều lúc ít, thường gọi là kinh nguyệt bất định, hoặc chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn.
Để chữa trị, có thể căn cứ vào các chứng trạng cụ thể của bản thân, tùy theo khẩu vị mà lựa chọn và sử dụng các món ăn - bài thuốc sau:
- Hoàng kỳ 20 g, đương quy 15 g, kê huyết đằng 12 g, trứng gà 2 quả, đường đỏ vừa đủ. Cho tất cả vào nồi, đổ ngập nước, nấu đến khi trứng chín. Bỏ bã thuốc, bóc bỏ vỏ trứng, thêm đường đỏ vào đun sôi nhỏ lửa trong 10 phút là được. Ăn trứng và uống nước thuốc (chia 2 lần ngày).
Tác dụng: Bổ khí huyết, điều hòa kinh nguyệt. Dùng cho trường hợp cơ thể phát dục chưa đầy đủ, khí huyết còn non yếu. Biểu hiện: Kinh kỳ thất thường, trong hoặc sau khi hành kinh 1-2 ngày thấy bụng đau nhấm nhói, xoa nắn thì đỡ, lượng huyết ít, chất huyết loãng, nhợt; người mệt mỏi, kém ăn, da xanh nhợt, mất ngủ, tim thỉnh thoảng đập dồn từng cơn.
- Ích mẫu thảo 30 g, hương phụ (củ gấu) 20 g, trần bì (vỏ quít để lâu ngày) 10 g, trứng gà 2 quả, đường đỏ vừa đủ. Sắc và uống giống như bài 1.
Tác dụng: Thanh can, hoạt huyết, giải uất; dùng cho trường hợp rối loạn kinh nguyệt do can uất. Biểu hiện: Kinh kỳ không có quy luật, hay lo buồn, dễ cáu giận, trước hoặc trong khi hành kinh thấy bụng trướng đau, lượng huyết lúc ít lúc nhiều, sắc huyết tối.
- Ích mẫu thảo 30 g, sơn tra 15 g, hồng hoa 5 g, trứng gà 2 quả, đường đỏ vừa đủ. Sắc và uống giống như bài 1.
Tác dụng: Hoạt huyết, hóa ứ và giải uất; dùng cho trường hợp rối loạn kinh nguyệt do can uất, huyết ứ. Biểu hiện: Kinh kỳ không có quy luật, trong hoặc trước khi hành kinh 1-2 ngày thấy bụng dưới trướng đau, lượng kinh ít, sắc tối, vón cục.
- Gừng tươi 15 g, quế chi 10 g, ngải cứu 10 g, trứng gà 2 quả, đường đỏ vừa đủ. Sắc và uống như bài 1.
Tác dụng: Ôn kinh, tán hàn; thích hợp với những người bị ngưng trệ khí huyết do ngấm nước mưa, cảm lạnh trước hoặc trong khi hành kinh. Biểu hiện: kinh đến muộn, sợ lạnh; trước hoặc trong khi hành kinh thấy bụng lạnh và đau, chườm nóng thì thấy dễ chịu; lượng kinh ít, chất huyết loãng, sắc tối.
Lưu ý: Các món ăn bài thuốc trên có hiệu quả tốt đối với những trường hợp rối loạn kinh nguyệt tương đối nhẹ. Nếu bệnh nặng và kéo dài, cần đến bệnh viện để xác định chính xác nguyên nhân, từ đó mới có thể tìm ra phương pháp chữa trị hữu hiệu.
10. Chữa bệnh quai bị 

Bệnh quai bị là một bệnh nhiễm khuẩn cấp do virut gây ra viêm tuyến nước bọt có khi cả tuyến sinh dục, tụy và màng não. Y học cổ truyền gọi bệnh quai bị là "hà mô ôn" là một bệnh độc ôn dịch, hay gặp ở trẻ 5-10 tuổi, cũng phát bệnh ở cả người lớn. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và dễ thành dịch. Sau đây là bài thuốc chữa bệnh quai bị:
- Triệu chứng: Sốt hoặc sốt nhẹ, sợ lạnh, sưng cứng dưới tai và vùng dưới hàm, ấn vào đau, thường sưng một bên dần dần sưng cả hai bên. Nếu cảm nhiễm ôn độc mạnh: sốt cao, khát, sưng vùng dưới tai, má bạnh, đau, rêu lưỡi vàng; mạch sác.
- Bài thuốc:
l. Trường hợp ôn độc nhẹ: Dùng bài: khương hoạt 8g, phòng phong 6g, cát cánh 8g, liên kiều 6g, hồng hoa 4g, độc hoạt 8g, sài hồ 8g, cam thảo 4g, ngưu hoàn tử 8g, tô mộc 6g, kinh giới 4g, thăng ma 6g, xuyên khung 4g, đương quy vĩ 8g, thiên hoa phấn 12g.
Cách dùng: Các vị trên sắc với 1.400ml nước, lọc bỏ bã lấy 200ml. Uống ấm chia đều 6 lần uống trong ngày.
Chú ý: Trẻ nhỏ tùy tuổi mà có liều thuốc thích hợp.
2. Trường hợp ôn độc nặng: Dùng bài mã bột 4g, hoàng cầm 12g, hoàng liên 8g, cam thảo 4g, huyền sâm 16g, liên kiều 8g, bản lam căn 16g, ngưu bàng tử 12g, bạc hà 6g, bạch cương tàm 12g, cát cánh 8g, thăng ma 8g, sài hồ 10g, trần bì 8g.
Cách dùng: Bạch cương tàm sao. Các vị trên sắc với 1.900ml nước, lọc bỏ bã lấy 250ml.
Chú ý: - Nếu đại tiện bí gia: Ðại hoàng để tả hỏa tiết nhiệt.
- Nếu sốt cao không mồ hôi, đau đầu gia: Khương hoạt, phòng phong, kinh giới để tăng cường tân tán thấu tà.
- Tiểu nhi sốt cao co giật giai đoạn đầu gia: Câu đằng, trùng thoái.
Trẻ nhỏ tùy tuổi mà có liều thuốc thích hợp.
Hà mô ôn là bệnh độc ôn dịch, bệnh mang tính chất truyền nhiễm lan tràn. Nên khi phát hiện được bệnh phải cách ly để tránh lây cho người lành. Bệnh lây bằng đường phế khí, ẩm thực. Nếu bệnh nhẹ tự khỏ trong 2 tuần. Nếu bệnh tiến triển nặng tùy chứng trạng mà cho bài thuốc phù hợp. 

No comments:

Post a Comment